Một buổi sáng đẹp trời, mình được nhận kha khá câu hỏi về visa Schengen. Tổng hợp lại thì có rất nhiều ý đáng để trả lời vì vậy mình quyết định biên một chuỗi bài về visa du lịch, và sâu hơn nữa là các thủ tục trong những bài sau. Điều đầu tiên rất nhiều bạn thắc mắc với mình khi chuẩn bị hành lý du lịch hoặc dự định sang châu Âu đó là: Xin visa đi châu Âu là xin qua Đại sứ quán nước nào? Và các loại visa các bạn có thể xin để lưu trú cho từng mục đích riêng? Bài viết này sẽ bắt đầu cho chuỗi bài về cách thức xin visa du lịch, du học.
Trong bài viết này, mình sẽ trả lời cho các bạn hai thắc mắc trên qua bài viết về các loại visa đến châu Âu.
Visa châu Âu là bao gồm những nước nào?
Thuòng khi đến với châu Âu, du khách sẽ chọn visa Schengen. Đây là loại visa cho phép khách du lịch được tự do đi lại trong 26 quốc gia, lãnh thổ thành viên khối Schengen, (bao gồm: Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Lithuania, Malta, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Slovénia, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Liechtenstein).
Hiện tại, việc xin visa Schengen không quá khó khăn đối với du khách người Việt Nam. Lợi ích của visa Schengen là bạn chỉ cần làm thủ tục xuất – nhập cảnh một lần duy nhất.
- Lần nhập cảnh tại quốc gia đầu tiên bạn đặt chân đến – đây sẽ phải là quốc gia bạn được cấp visa.
- Lần xuất cảnh duy nhất tại quốc gia cuối cùng trong chuyến tham quan thuộc khối Schengen.
Ngoài ra, bạn còn có thể được tự do đi lại giữa các quốc gia này. Quá tiện lợi phải không nào?
Vậy làm sao để bạn có được visa Schengen?
Hiện tại để xin visa châu Âu, khách du lịch mang quốc tịch Việt Nam gặp chút vấn đề về người bảo lãnh. Tuy nhiên, hiện tại trong châu Âu có 4 nước sau sẽ giúp bạn để dễ dàng xin visa, đó là: Pháp, Hà Lan, Ý và Tây Ban Nha.Với 4 quốc gia này du khách người Việt không cần phải có người bảo lãnh. Vì vậy, mọi thủ tục cũng như việc chuẩn bị hồ sơ xin visa cũng dễ dàng hơn, thuận tiện hơn mà tỷ lệ làm visa thành công cũng cao hơn rất nhiều. Đối với kinh nghiệm của mình thì visa Pháp sẽ là địa điểm lựa chọn dễ thở nhất trong các nước kể trên với khoảng 80% – 90% đậu visa. Trong bài này mình sẽ giới thiệu qua các loại visa đến Pháp nhé.
Visa ngắn hạn đến Pháp
Nếu bạn đến Pháp trong khoảng thời gian ít hơn ba tháng, bạn cần xin visa ngắn hạn. Với visa Schengen ngoài 26 nước châu Âu các bạn còn có thể tham quan các tỉnh Hải ngoại thuộc Pháp (Guadeloupe, Guyane, La Réunion, Martinique và Mayotte = RDOM). Tuy nhiên, visa này không có giá trị đối với các vùng và lãnh thổ Hải ngoại (Nouvelle-Calédonie, Polynésie, Saint-Barthélemy, Saint-Martin, Saint-Pierre-et-Miquelon và Wallis-et-Futuna = CTOM).
Visa ngắn hạn được cấp cho chuyến du lịch, thăm viếng mang tính chất cá nhân, thăm thân nhân và cả các chuyến công tác (dự hội nghị, gặp đối tác, dự triển lãm, tham dự các khóa đào tạo tại công ty mẹ…). Trong một số điều kiện nhất định, visa này cũng có thể được cấp cho các khóa thực tập. Visa này không có giá trị chuyển đổi sang Visa lao động,… hoặc dài hạn khác.
Đối với trường hợp tìm được việc làm tại Pháp, bạn phải xin được giấy phép lao động trước khi xin visa. Đơn vị tuyển dụng bạn phải thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động. Đây là trường hợp thường gặp đối với các vận động viên, nghệ sĩ, người mẫu.
Những hồ sơ bạn phải nộp tại Tổng lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán của quốc gia là:
- Những địa điểm sẽ thăm quan hoặc lưu trú tại chuyến đi,
- Địa điểm bạn sẽ lưu trú lâu nhất,
- Địa điểm bạn đặt chân đến đầu tiên khi nhập cảnh vào khối Schengen. (Điều này là bắt buộc chính xác khi bạn nộp hồ sơ visa và bay đến nước Đức đầu tiên)
- Vé máy bay và chứng minh lịch trình công tác, du lịch.
Visa dài hạn
Nếu chuyến đi của bạn kéo dài hơn 90 ngày, xin visa dài hạn là điều bắt buộc. Bạn thuộc trường hợp này nếu bạn đi học đại học/cao học, nếu bạn tìm được việc làm tại Pháp. Đối với các thành viên gia đình đi cùng phải xin visa dành cho gia đình của người lao động. Visa du lịch dài hơn 90 ngày thường khó được chấp nhận.
Visa cho vợ/chồng của công dân một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu
Với tư cách là vợ/chồng của công dân một quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu. Bạn có nhiều thuận lợi để được cấp visa ngắn hạn, cho phép đi về nhiều lần giữa Việt Nam và các quốc gia khối Schengen. Điều kiện là mỗi lần không lưu lại quá 90 ngày và tối đa là 180 ngày/năm. Bạn cũng có nhiều thuận lợi để được cấp visa dài hạn, cho phép định cư tại Pháp.
Địa điểm nộp hồ sơ và lệ phí xét duyệt
Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Hồ sơ xin thị thực được nộp tại Trung tâm tiếp nhận Hồ sơ Thị thực: Tầng 17 của tòa nhà “Capital tower building”, 109 phố Trần Hưng Đạo, P. Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tổng lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hồ sơ xin thị thực phải được nộp tại Trung tâm Tiếp nhận Hồ sơ Thị thực: Tầng 12A tòa nhà “Vincom Dong Khoi Tower”, 72 Lê Thánh Tôn (hoặc 45A Lý Tự Trọng), P. Bến Nghé , Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Visa ngắn hạn: 60 EUR (khoảng 1,608,500 VND).
Visa dài hạn: 99 EUR (khoảng 2,654,000 VND).
Phí dịch vụ: 26 EUR (khoảng 697,000 VND)
Lưu ý: lệ phí không được hoàn lại, kể cả khi visa bị từ chối.
Lưu ý:
Bạn có thể nộp hồ sơ xin visa trước ngày xuất hành tối đa là 90 ngày.
Thời gian xét duyệt của visa ngắn hạn thường là 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn. Đối với visa dài hạn thì thời gian xét duyệt dài hơn, có thể lên đến 2 tháng.
Trong mọi trường hợp, cần nộp hồ sơ visa chậm nhất là 15 ngày trước ngày xuất hành.
Bạn phải đích thân đi nộp hồ sơ sau khi đã lấy hẹn trước ằng cách gọi vào số điện thoại +84 (4) 3939 2662, từ thứ hai đến thứ sáu, trong khoảng từ 8h đến 16h30 hay tra cứu thông tin trên trang web của TLScontact.
Hi vọng các bạn có thể tìm được visa phù hợp cho chuyến du lịch tới Lục địa già. Trong các bài sau mình sẽ hướng dẫn các bạn cách xin visa cụ thể hơn nhé. Mời các bạn đón đọc.
Comments are closed.